Nhắc đến Hà Tây, nhiều người nghĩ ngay rằng đây là mảnh đất hội tụ của các làng nghề truyền thống. Với thế mạnh về thêu thủ công, Hà Tây nhanh chóng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến thương hiệu tập thể của mình. Trong cái chung đó, nghệ nhân thêu Nguyễn Quốc Sự- giám đốc cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự ở thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín đã vang danh suốt gần nửa thế kỷ qua, là niềm tự hào của nghệ nhân làng nghề nơi đây.
Đến thăm cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự vào một buổi chiều mưa rả rích, ông tiếp đón chúng tôi chân tình và cởi mở. Xung quanh câu chuyện về đời, về nghề, ông vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những gì ông đã làm và đang ấp ủ...
Hơn 6 năm đã trôi qua, vì nhiều lý do khác nhau nên HTX Thắng Lợi chuyên về thêu đã không còn tồn tại nữa. Ông Sự- một nghệ nhân thêu có uy tín của HTX đã một mình đứng ra thành lập cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Bằng mọi nỗ lực cùng sự cố gắng hết mình, cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự đã vượt qua mọi thăng trầm để ngày một phát triển và không ngừng lớn mạnh.Từ chỗ ban đầu chỉ có một vài nhân công, đến nay cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự đã có hơn 100 công nhân với mức thu nhập tương đối ổn định. Đến cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự vào bất cứ lúc nào, ta cũng thấy tấp nập khách vào ra, người Việt cũng có, người nước ngoài cũng có. Tất cả họ đều trầm trồ khen ngợi tài năng thêu của người đứng đầu - ông Nguyễn Quốc Sự. Những bức tranh thêu của ông Sự thật sống động, mềm mại tự nhiên và có sức hấp dẫn làm lay động lòng người. Các đề tài phong phú và đa dạng trong cuộc sống đêù được ông phản ánh rõ nét thông qua hình tượng là những bức tranh thêu tay với bố cục rõ ràng, đường nét tinh tế, cách phối màu sinh động.
Cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự có thế mạnh về tranh thêu chân dung. Những bức tranh chân dung của ông làm ra, đặc biệt là tranh thêu chân dung Bác Hồ, đều được mọi người trân trọng đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Nghề thêu là một nghề đã gắn bó với ông từ nhiều năm qua. ông Sự đã có biết bao những vui buồn đồng hành với nghề này. Nhớ lại những tháng năm còn nhỏ, ông đã được sống trong không khí nhộn nhịp của một làng nghề có bề dày từ bao đời trước. Lớn lên, cuộc sống làng nghề đã ăn sâu vào máu thịt để rồi ông gắn bó trọn cuộc đời mình cho sự phát triển của làng nghề truyền thống. Hiện nay, cho dù bất cứ ở đâu,ở bất kỳ phương trời nào thì mảnh đất Hà Tây thân thương vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông với nhiều kỷ niệm đẹp: “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”. Chính mạch nguồn quê hương nuôi dưỡng để hôm nay ông đã trở thành một nghệ nhân có tay nghề lão luyện. Trong con người ông lúc nào cũng thường trực một ý nghĩ rằng, quê hương đã cho ông rất nhiều thứ, gìơ đây ông có trách nhiệm báo đáp lại với quê hương bằng những việc làm thiết thực. Hiện tại, trong cuộc sống xô bồ với nhiều bon chen, toan tính nhưng ông luôn tâm niệm một điều rằng: bằng mọi cách phải làm cho làng nghề quê hương mình ngày càng phát triển, không thể mai một, không thể lu mờ. Với ông, sự yêu nghề và tự bản thân nghiêm khắc với nghề, đó là những điều giúp ông thành công trên mảnh đất quê mình.
Có lẽ do xác định đúng đắn như vậy mà cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự đã gặt hái được nhiều thành công trên thị trường tranh thêu trong và ngoài nước. Sản phẩm tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Italia, Thái Lan, Malaixia... như một niềm tự hào khẳng định bàn tay tài hoa của người Việt. Đã có rất nhiều hãng truyền thông đã tìm về Hà Tây để tìm hiểu, làm phóng sự về cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự như VTV, NHK.. Không những thế, các tác phẩm tranh thêu của ông, nhất là tranh thêu chân dung Bác Hồ, nhà sàn Bác đã được Nhà nước chọn để mang đi triển lãm tại Nga và các tác phẩm này đã đạt Huân chương Lê Nin (tháng 10/1981) và Huy chương vàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong nước liên tục trong nhiều năm qua. Tất cả điều đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn để cơ sở tranh thêu Nguyễn Sự tự tin vững bước trên con đường đi tới.
Giờ đây khi đã bước sang tuổi 65 nhưng ông Nguyễn Quốc Sự vẫn hàng ngày cặm cụi bên khung thêu, cẩn thận kỹ lưỡng với từng đường kim mũi chỉ để cống hiến, sáng tạo ra những tác phẩm tranh thêu làm đẹp cho cuộc đời, cho mọi người. Hiện nay, 5 người con trong gia đình ông, tất cả đều đã trưởng thành và đi theo nghề truyền thống của gia đình. Tâm sự với chúng tôi, ông bộc bạch:”Trong thời gian tới, tôi sẽ mở trường dạy nghề miễn phí cho các em có hòan cảnh khó khăn. Như thế vừa là để tạo công ăn việc làm cho các em,vừa là để giữ gìn, phát huy các gía trị truyền thống của làng nghề, của dân tộc”.
Đến Hà Tây, rẽ vào thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi mà hỏi ông Sự thêu thì ai cũng biết. Họ nhắc đến tên ông không chỉ vì ngưỡng mộ một tài năng thiên bẩm mà họ còn khâm phục về sự lao động nghiêm túc, cách đối nhân xử thế mang đầy tính nhân văn. Đây chính là nền tảng để từ đó ông cứ lặng lẽ dâng cho đời những giá trị vĩnh cửu của cái đẹp, hướng con người đến chân- thiện- mỹ.
Tấm lòng rộng mở của ông Nguyễn Quốc Sự thật đáng để chúng ta trân trọng và kính phục. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Tin rằng rồi đây trong sớm mai, những ý tưởng tốt đời, đẹp đạo của ông sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. ( theu tay, tranh thêu tay)
Tuổi 80 và những bức tranh thêu truyền thần | 18/11/2020 |
THÔNG BÁO | 26/03/2020 |
Làng thêu tay danh giá | 22/07/2016 |
Nghệ nhân tranh thêu tài hoa của Hà Nội | 22/07/2016 |
|